Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Quản lý tổng hợp chất thải rắn (ISWM) – Hướng tiếp cận quản lý chất thải rắn bền vững


Quản lý tổng hợp chất thải rắn (ISWM) – Hướng tiếp cận quản lý chất thải rắn bền vững

Quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được đề cập nhiều trong những năm gần đây, trong đó nhấn mạnh đến quản lý toàn bộ “dòng” của tất cả các loại chất thải rắn, các khía cạnh gắn kết với nhau bao gồm: thu gom, phân loại, vận chuyển, giảm thiểu – tái chế – tái sử dụng, xử lý và thải bỏ. Quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Chương trình Môi tường Liên hiệp quốc (UNEP), Viện công nghệ môi trường Quốc tế (IETC) và Phòng công nghiệp, công nghệ và kinh tế (DTEI – UNDP) phát triển và thí điểm mô hình ISWM tại 03 thành phố: Pune city (Ấn Độ), Wuxi (Trung Quốc) và Lesthoso (Nam Phi). Ở Việt Nam, các mục tiêu, nhiệm vụ của Hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được đề cập trong “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến 2025 tầm nhìn 2050″.



Quản lý tổng hợp chất thải rắn (Integrated Solid Waste Management – viết tắt ISWM) thường được diễn giải theo nhiều hình thức ngôn từ khác nhau, về cơ bản nó được hiểu là: Quản lý tổng hợp tất cả các dòng thải: chất thải rắn sinh hoạt, y tế, công nghiệp, nguy hại, điện tử và xây dựng; Quản lý tất cả các khía cạnh gắn kết với nhau bao gồm: thu gom, phân loại, vận chuyển, giảm thiểu – tái chế – tái sử dụng, xử lý và thải bỏ.

Trong tài liệu Developing Integrated Solid Waste Management Plant, Volume 1 – 4 được UNDP công bố gần đây, có thể khái quát hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn bao gồm những nội dung cơ bản sau:
- Tiếp cận tổng thể tất cả các dòng thải, bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt, y tế, công nghiệp, nguy hại, điện tử và xây dựng;
- Tối đa hóa cơ hội giảm thiểu từ khâu phát sinh đến thải bỏ cuối cùng;
- Thích nghi nguyện vọng của tất cả các bên liên quan từ người thải bỏ, quản lý chất thải và cung ứng dịch vụ;
- Thuận tiện quay vòng sản phẩm và nguyên liệu, do đó sẽ tối đa hóa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên;
- Tích hợp các bộ phận chức năng khác nhau như kĩ thuật, nhà quản lý, tài chính, chính sách…
- Trách nhiệm lớn hơn của địa phương và các bên liên quan, thông qua cố vấn chính sách
Các bước xây dựng và triển khai một hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn bao gồm, Xây dựng kế hoạch chiến lược; Hình thành hệ thống quản lý và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; Thực hiện các hành động
Một kế hoạch chiến lược hoàn chỉnh và hiệu quả bao gồm 04 hợp phần quan trọng, đó là đánh giá (cả dự báo), thiết kế hành động, phối hợp hành động và cuối cùng là kiểm soát, đánh giá. Đánh giá ban đầu được xem là khâu quan trong, đảm bảo thành công của cả hệ thống.
Đánh giá bao gồm các phương pháp phân tích tình thế (bên trong và bên ngoài) và phương pháp phân tích “lỗ hổng” (Gap analysys) được sử dụng đề mô tả một bức tranh toàn cảnh hiện tại của đối tượng và môi trường bên ngoài, qua đó thấy được cơ hội, thách thức và những giới hạn về chính sách, cơ sở hạ tầng, công nghệ… Ngoài ra, đây là điều kiện cần để các địa phương xác nhận tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và nhiệm vụ cho hiện tại và viễn cảnh tương lai.
Kiểm soát là công việc được thực hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược cũng như quá trình triển khai thực tế, là nguồn dữ liệu tin cậy cho việc điều chỉnh linh hoạt kế hoạch cũng như tích lũy kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. Để phục vụ đánh giá và kiểm soát kế hoạch, người ta thường sử dụng “chỉ số đo lượng hiệu suất – KPIs” để đánh giá, biểu hiện cụ thể của KPIs đó là: tính xác định số lượng, hành động – thực thi, định hướng kết quả, dấu hiệu – chỉ số và trả lời được các câu hỏi của người dân.

Sau khi xây dựng kế hoạch chiến lược, một trong những điều kiện để triển khai đó là có đầu mối quản lý môi trường thống nhất. Theo kinh nghiệm một số dự án, hệ thống quản lý và phối hợp hành động bao gồm rất nhiều thành phần như cơ quan nhà nước, các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ (trong thời gian nhất định), công ty dịch vụ công ích… Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về môi tường vẫn là cơ quan chính yếu, đứng ra điều phối và phối hợp hành động giữa các bên liên quan.
Sau khi hoàn thành kế hoạch chiến lược, cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, sẽ triển khai những nội dung đã đề ra trong trong kế hoạch hành động. Đây là bước cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ theo lộ trình đã ấn định.

1 nhận xét: