Quản lý tổng hợp chất thải - Vấn đề và giải pháp chính sách ở Việt Nam
Quản lý tổng hợp chất thải là một cách tiếp cận mới trong quản lý chất thải và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở nước ta, quản lý chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng theo hướng bền vững là một trong 7 chương trình ưu tiên cao nhất được xác định trong Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia 2001 - 2010 và Định hướng đến năm 2020 và cũng là một nội dung thuộc lĩnh vực ưu tiên trong chính sách phát triển của Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 17/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (dưới đây gọi tắt là Chiến lược quốc gia về chất thải rắn) trong đó xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản cho việc thực hiện.. Bài viết này đề cập tới quản lý tổng hợp chất thải rắn trên 2 khía cạnh: cơ sở lý thuyết và thực tiễn của quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng bền vững; những vấn đề đặt ra trong áp dụng quản lý tổng hợp chất thải rắn và các giải pháp chính sách thực hiện trong điều kiện của Việt Nam.
Chất thải là sự đồng hành tất yếu trong mọi hoạt động kinh tế và phát triển. Trong điều kiện tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay và trong tầm nhìn dài hạn (vài thập kỷ tới), lượng chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng của sản xuất và tiêu dùng trong quá trình phát triển của xã hội. Sự gia tăng của chất thải đã, đang và vẫn tiếp tục là một tác nhân/nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng môi trường, đe dọa tính bền vững trong quá trình phát triển cả ở tầm vĩ mô (quốc gia) cả ở tầm trung mô (địa phương, khu vực) và cả ở tầm vi mô (cơ sở sản xuất kinh doanh). Tác nhân/nguyên nhân này được kìm hãm và khắc phục đồng thời theo cả hai hướng: một là bằng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu, hạn chế lượng chất thải thải ra môi trường và hai là bằng các giải pháp quản lý đối với chất thải trong suốt quá trình phát sinh và vận động của chất thải.
1. Quản lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng bền vững
Trong thực tế quản lý chất thải ở các nước trên thế giới có các loại tiếp cận được áp dụng sau:
- Quản lý chất thải ở cuối công đoạn sản xuất mà trong quản lý môi trường được gọi là cách tiếp cận ”cuối đường ống”. Cách tiếp cận này, theo kinh nghiệm quốc tế, tuy đòi hỏi chi phí lớn nhưng vẫn phải áp dụng đối với các cơ sở sản xuất không có khả năng đổi mới toàn bộ quá trình sản xuất và công nghệ.
- Quản lý chất thải trong suốt quá trình sản xuất mà trong quản lý môi trường được gọi là cách tiếp cận “theo đường ống”. Cách tiếp cận này đòi hỏi quản lý chất thải trong suốt quá trình sản xuất, bao gồm giảm thiểu cũng như tái sử dụng, tái chế và thu hồi chất thải ở mọi khâu, mọi công đoạn của quá trình sản xuất.
- Quản lý chất thải nhấn mạnh vào khâu tiêu dùng. Triết lý của cách tiếp cận này là tập trung vào nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để họ lựa chọn và đòi hỏi, tạo sức ép đối với các sản phẩm được sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn môi trường, phải thân thiện với môi trường (như đạt tiêu chuẩn ISO 14000...) và bản thân người tiêu dùng cũng hành động thân thiện với môi trường trong tiêu dùng sản phẩm. Người tiêu dùng ở đây được hiểu theo nghĩa rộng của lý thuyết kinh tế, bao gồm người tiêu dùng sản xuất (các nhà sản xuất) và người tiêu dùng cuối cùng.
- Quản lý tổng hợp chất thải. Trong các tài liệu về quản lý chất thải thì quản lý tổng hợp chất thải được giới thiệu như là một phương thức quản lý thích hợp nhất đối với các nước có thu nhập trung bình và các nước có nền kinh tế chuyển đổi1. Quản lý tổng hợp chất thải cung cấp một cách nghĩ và cách xem xét phi truyền thống về quản lý chất thải, từ bỏ cách tiếp cận tập trung vào công nghệ xử lý (chôn lấp, tái chế, tái sử dụng...) một cách riêng rẽ, đơn lẻ. Quản lý tổng hợp chất thải xem xét một cách tổng thể các khía cạnh cần thiết nhất liên quan tới quản lý chất thải là môi trường tự nhiên, xã hội, kinh tế, thể chế với sự tham gia của các bên liên quan vào các thành phần của hệ thống quản lý chất thải (phòng ngừa, thu gom, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp). Theo tài liệu hướng dẫn về quản lý tổng hợp chất thải thì thuật ngữ “tổng hợp” có nghĩa là nối kết hay phối hợp với nhau. Quản lý tổng hợp chất thải bao gồm ít nhất ba loại phối kết hợp sau:
- Phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải.
- Phối kết hợp các khía cạnh xã hội, kinh tế, luật pháp, thể chế, môi trường và công nghệ trong quản lý chất thải.
- Phối kết hợp ý kiến ưu tiên và năng lực cung cấp dịch vụ của các bên liên quan.
Sơ đồ 2. Thang bậc quản lý chất thải
Phòng ngừa (a) - Giảm thiểu (b) - Tái sử dụng (c) - Tái chế (d) - Thu hồi (e) - Thải bỏ (f)
Phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải bao gồm các giải pháp mang tính chiến lược giảm nguồn thải, tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ, thu gom, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Cách quản lý này khác biệt với cách truyền thống là chỉ thu gom chất thải rồi đem chôn lấp, ở đây còn có một loạt các giải pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải đem chôn lấp, là giảm nguồn thải, tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ, thu gom, thu hồi năng lượng. Nguyên tắc chung cho mọi cách tiếp cận trong quản lý chất thải là sử dụng hiệu quả và tối ưu các tính năng hữu dụng của chất thải trước khi trả lại cho môi trường.
Trong tiếp cận quản lý tổng hợp chất thải thì phòng ngừa là nguyên tắc hàng đầu. Phòng ngừa là ngăn chặn sự phát thải hoặc tránh tạo ra chất thải. Giảm thiểu là việc làm để sao cho sự phát thải là ít nhất. Khi sự phát thải được giảm tới mức bằng 0 thì đó là sự phòng ngừa tuyệt đối. Phòng ngừa được coi là phương thức tốt nhất để giảm thiểu chất thải ngay từ nguồn phát sinh.
Phòng ngừa và giảm thiểu là hai nấc thang đầu tiên trong thang bậc quản lý chất thải.Trong kinh tế chất thải bản chất của phòng ngừa là ngăn chặn, tối đa sự phát sinh chất thải trong mọi hành động kinh tế (sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng). Tái sử dụng và tái chế là hai nấc thang tiếp theo
Như vậy, quản lý tổng hợp chất thải xét theo cách tiếp cận phối kết hợp các chiến lược quản lý chất thải bao gồm các giải pháp mang tính chiến lược giảm nguồn thải, tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ, thu gom, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Mối quan hệ, liên kết giữa các giải pháp này đặt trong tổng thể quản lý quá trình sản xuất và tiêu dùng có thể khái quát hóa dưới dạng sơ đồ (Sơ đồ 3).
Sơ đồ trên cho thấy rằng một chiến lược quản lý tổng hợp chất thải cần được chú ý trước tiên vào các biện pháp giảm thiểu, nghĩa là theo nguyên tắc phòng ngừa. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng càng giảm thiểu được phát thải thì càng giảm được các chi phí cho các khâu tiếp theo để xử lý chất thải (tái sử dụng, tái chế, thu hồi, chôn lấp...). Còn một khi phát sinh chất thải trong sản xuất và tiêu dùng thì cần cố gắng tái sử dụng và tái chế tối đa trước khi đem chôn lấp, trả chúng về môi trường.
Cách tiếp cận tổng hợp như vậy cũng đã được xác định và khẳng định trong quản lý chất thải thời gian tới ở nước ta. Chiến lược quốc gia về chất thải rắn cũng xác định quản lý tổng hợp chất thải rắn là một ưu tiên trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được ban hành 10 năm trước đây (tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10/7/1999) với nội dung chưa phải là dựa trên cách tiếp cận tổng hợp.
2. Những vấn đề đặt ra trong áp dụng quản lý tổng hợp chất thải rắn và các giải pháp chính sách thực hiện trong điều kiện của Việt Nam
Những vấn đề đặt ra
Tính chất tổng hợp, như đã nói ở trên, là nối kết hay phối hợp với nhau. Quản lý tổng hợp chất thải rắn có nghĩa là phải phối hợp tất cả các khâu, các hoạt động, các chủ thể liên quan tới chu trình vận động của chất thải từ khi phát sinh cho tới khi trả lại chúng về môi trường sau khi đã cố gắng tận dụng các tính năng hữu dụng của chất thải trong quá trình vận động ấy.
Vấn đề đặt ra đầu tiên là sự nối kết, phối hợp các khâu, các hoạt động, các chủ thể có liên quan với nhau. Đây là điểm yếu nhất và cũng là khó khăn nhất đối với việc áp dụng phương thức quản lý này ở nước ta hiện nay (và có lẽ cũng ở nhiều nước đang phát triển khác). Sự tùy tiện, chia cắt trong hoạt động quản lý nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng là những biểu hiện cụ thể của sự thiếu phối hợp trong quản lý. Các biểu hiện này không chỉ là giữa các địa phương, các khu vực, các vùng với nhau mà còn cả giữa các khâu (phát thải, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý, chôn lấp), các chủ thể liên quan tới chất thải (thường gọi là các bên liên quan như dân cư, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan quản lý).
Vấn đề thứ hai nằm ở cố gắng tận dụng các tính năng hữu dụng của chất thải trong quá trình vận động của chất thải. Quản lý tổng hợp chất thải rắn chỉ có thể thành công nếu như các cố gắng đạt được trong tất cả các khâu, các hoạt động, các chủ thể có liên quan tới quá trình vận động này. Điều này liên quan tới không chỉ nguồn lực (vốn, công nghệ...) mà còn cả ý thức, nhận thức của các chủ thể. Công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng ở nước ta hiện đang có những hạn chế, khó khăn lớn về nguồn lực nhưng hạn chế, khó khăn về nhận thức còn lớn hơn, thậm chí có thể làm cản trở, triệt tiêu nguồn lực huy động được. Sự ít thành công, thậm chí cả thất bại trong thực hiện chiến lược 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) chất thải sinh hoạt ở một số đô thị lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) thời gian qua đã cho thấy đây thực sự là một vấn đề quan trọng đặt ra cần được chú ý, ưu tiên giải quyết như là điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp chất thải rắn ở nước ta trong thời gian tới.
Vấn đề thứ ba liên quan tới hệ thống và mạng lưới quản lý chất thải, trong đó đáng chú ý là năng lực còn yếu của các cơ quan quản lý chất thải với vai trò là người nhạc trưởng điều phối, kết nối các hoạt động có liên quan. Đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao năng lực này và cũng đã có những tiến bộ nhất định. Tuy vậy, điều đáng lưu ý ở đây là để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp chất thải rắn cần có những “kịch bản” quản lý phối hợp cụ thể. Chiến lược quốc gia về chất thải rắn cần được cụ thể hóa bằng kịch bản hay phương án tổ chức thực hiện. Chiến lược đã có sự phân công tổ chức thực hiện cho các bộ ngành và UNND tỉnh, thành phố (tại Điều 2). Nếu dựa theo những nguyên lý của quản lý tổng hợp chất thải rắn thì có 2 điều lưu ý sau: Một là, sự phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các Bộ, ngành và UNND tỉnh, thành phố là rõ, nhưng phương án phối hợp các hoạt động mang tính chất “kịch bản” chung thì chưa có và cũng chưa rõ cơ quan nào đảm nhận xây dựng “kịch bản” như vậy. Hai là, sự phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện nêu trong Chiến lược mới chỉ đối với các bộ ngành và UNND tỉnh, thành phố, nhưng còn các chủ thể có liên quan khác, như người phát thải (doanh nghiệp, dân cư, hộ gia đình...), người cung cấp dịch vụ môi trường (doanh nghiệp, HTX, tổ đội...) thì chưa được đề cập đến.
Vấn đề thứ tư liên quan tới các nguồn lực, đặc biệt là nguồn thông tin, mạng lưới thông tin cho hoạt động quản lý chất thải theo phương thức tổng hợp. Sự thiếu hụt về nguồn lực trong quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng đã rõ, nhưng đáng chú ý là sự thiếu hụt này ngày càng có khoảng cách xa không chỉ so với yêu cầu mà quan trọng hơn là cả so với tốc độ gia tăng của chất thải rắn trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cùng với sự cải thiện đáng kể về thu nhập của dân cư đô thị. Ngoài ra, có những nguồn lực cho việc cải thiện hoạt động quản lý chất thải rắn có thể nhanh chóng được tăng cường và ít lệ thuộc hơn vào khả năng tài chính là nguồn thông tin cho quản lý chất thải rắn theo phương thức tổng hợp. Việc quản lý theo phương thức tổng hợp cũng đã hàm chứa tính chất hệ thống và điều kiện tiên quyết, quan trọng hàng đầu đối với hoạt động của hệ thống là thông tin và trao đổi thông tin (thuận và ngược hay phản hồi). Trong quản lý chất thải hiện nay ở nước ta còn đang thiếu điều kiện quan trọng này. Sự thiếu hụt này thể hiện ở chỗ chưa có cơ sở dữ liệu thống kê đầy đủ về nguồn thải, lượng thải, thành phần chất thải cũng như các thông tin về công nghệ xử lý chất thải... đáp ứng yêu cầu và nhu cầu cho quản lý chất thải rắn theo phương thức tổng hợp.
Các giải pháp chính sách trong điều kiện của Việt Nam
Các vấn đề nêu trên chắc chắn chưa phải là tất cả các vấn đề của quản lý chất thải rắn theo phương thức tổng hợp nhưng theo chúng tôi, đó là những vấn đề quan trọng, thiết yếu nhất cần sớm được quan tâm, ưu tiên giải quyết để tạo điều kiện nhất định, ban đầu cho việc triển khai thực hiện phương thức quản lý mới và hiệu quả này. Các giải pháp chính sách nêu dưới đây cũng nhằm vào các vấn đề đã nêu như là gợi ý để các nhà hoạch định chính sách và quản lý tham khảo.
1. Đối với vấn đề chia cắt, thiếu phối kết hợp trong quản lý chất thải rắn hiện nay: đã có nhiều cố gắng nhằm khắc phục vấn đề này, từ các biện pháp kinh tế (như hợp đồng kinh tế, ưu đãi tài chính...), biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tới các biện pháp hành chính (thanh tra, phạt hành chính...) nhưng kết quả, tiến bộ đem lại còn ít và chưa tương xứng với các cố gắng, nỗ lực đã bỏ ra. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất là thiếu “sức hút”, “chất kết dính” cho các yếu tố, các bên liên quan. Sự thờ ơ, ít quan tâm của các bên liên quan, thậm chí lẩn tránh, trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của người phát thải là chỉ báo thể hiện sự thiếu phối kết hợp như vậy. Muốn khắc phục tình trạng thờ ơ, ít quan tâm cần tạo sức hút mạnh tham gia vào “chuỗi” quản lý chất thải rắn. Có thể tham khảo bài học kinh nghiệm tạo sức hút từ các cải cách, đổi mới quản lý kinh tế, cụ thể là thu hút sự tham gia vào “chuỗi giá trị” sản phẩm. Trong khoa học quản lý kinh tế, “chuỗi giá trị” sản phẩm là một phạm trù mới, thể hiện sự phân công lao động xã hội trong việc sản xuất ra sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh mà theo đó các doanh nghiệp tuỳ thuộc vào khả năng, năng lực sản xuất của mình cố gắng tham gia tạo ra (đúng hơn là làm gia tăng thêm) giá trị của sản phẩm bán trên thị trường (quốc gia, khu vực, toàn cầu), từ khâu cung ứng nguyên liệu, vật liệu, phụ kiện, phụ gia cho tới chỉnh trang sản phẩm để đưa ra thị trường. Thực chất của “chuỗi giá trị” này là nếu nằm ngoài “chuỗi giá trị” này thì doanh nghiệp hoặc sẽ không hoặc rất khó khăn khi bán sản phẩm do mình sản xuất ra. Nói cách khác về ý tưởng, điều này có nghĩa là “chuỗi giá trị” tạo ra một khuôn khổ chung cho việc tham gia với sự chi tiết hóa tối đa nhằm tạo điều kiện cho mọi tác nhân đều có thể hưởng lợi từ sự tham gia. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, một khuôn khổ với sự chi tiết hóa tối đa như vậy đã giúp cho các quốc gia kém phát triển cũng có thể cùng với các quốc gia phát triển tham gia sản xuất sản phẩm hàng hóa cho thị trường toàn cầu như trường hợp các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam sản xuất hàng hóa bán trên thị trường thế giới với các vật liệu, phụ kiện cần thiết (vải, chỉ, khuy, mẫu mã...) mua của các nước khác. Vận dụng ý tưởng này cho quản lý tổng hợp chất thải rắn, có thể và cần thiết tạo dựng một chuỗi giá trị đối với sản phẩm hàng hóa là chất thải. Chất thải là hàng hóa - một ý tưởng đã thành hiện thực thành công ở nhiều nước Tổ chức JICA của Nhật Bản đang giúp thực hiện Chiến lược 3R cho một số nước, trong đó có Việt Nam với phương châm “Chất thải được thu gom là tài nguyên quý giá”. Phương châm này đã được phổ thành bài hát tiếng Việt để tuyên truyền và đã phát nhiều lần trên truyền hình Hà Nội năm 2009. Quan niệm này khác hẳn với quan niệm cho rằng, chất thải là thứ bỏ đi, mà cho rằng là tài nguyên, nguyên vật liệu, đầu vào cho quá trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Quan niệm về chất thải như vậy có thể là cơ sở lý luận cho việc áp dụng và thiết kế xây dựng “chuỗi giá trị” cho hàng hóa chất thải và có thể cũng là một bước đi cụ thể hóa chủ trương của Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT trong quản lý chất thải rắn. Các nhà kinh tế học và kinh tế môi trường có thể đóng góp cho việc thiết kế chuỗi giá trị cho hàng hóa chất thải. Một khi chuỗi giá trị này được thiết kế và đưa vào thực hiện như là các hàng hóa khác thì có thể hy vọng sẽ tạo được lực hút, sức hút, kết nối tham gia của các chủ thể liên quan.
2. Đối với vấn đề tận dụng các tính năng hữu dụng của chất thải trong quá trình vận động của chất thải: một khi đã hình thành và vận hành chuỗi giá trị cho hàng hóa chất thải như đã nói ở trên thì cần tới các giải pháp chính sách hỗ trợ, tạo đà cho sự hội nhập, tham gia vào các khâu của chuỗi. Các giải pháp chính sách này có thể bao gồm các hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích có liên quan. Hiện tại, nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đối với TN&MT, nhưng còn chưa phải là một hệ thống cơ chế, chính sách về hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đối với chất thải như là hàng hóa theo ý tưởng như đã nêu ở trên. Một Chiến lược quốc gia về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn (3R) đang được Bộ TN&MT soạn thảo cũng được tiếp cận theo ý tưởng coi chất thải là tài nguyên cần được thu gom lại để tăng cường, nâng cao hiệu quả tận dụng các tính năng hữu dụng của chất thải trong tất cả các khả năng có thể tái sử dụng và tái chế chất thải rắn. Chiến lược này cũng tính tới các giải pháp chính sách sao cho lượng chất thải bỏ trở lại môi trường là ít nhất, nghĩa là trong suốt quá trình vận động của chất thải ngay từ lúc khai thác đã phải tính đến 3R. Sơ đồ dưới đây cho thấy, giảm thiểu chất thải ở tất cả các khâu sẽ giúp cho quản lý chất thải dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn so với cách tiếp cận quản lý cuối đường ống, tức là chỉ quan tâm tới xử lý chất thải ở khâu cuối cùng.
Nếu chỉ xét trên phương diện quá trình chu chuyển của dòng vật chất trong nền kinh tế thì đối với cách tiếp cận quản lý tổng hợp chất thải, sản xuất sạch hơn là giải pháp kinh tế - kỹ thuật tổng hợp tối ưu nhằm kết hợp, liên kết các giải pháp về phòng ngừa, bao gồm cả giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, đem lại lợi ích to lớn cả về kinh tế, cả về xã hội cũng như về môi trường. Sản xuất sạch hơn, theo định nghĩa của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), là “áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường trong các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sinh thái và giảm thiểu rủi ro đến con người và môi trường”. Các lợi ích về kinh tế của sản xuất sạch hơn là giúp giảm nguyên vật liệu đầu vào thông qua thu hồi sử dụng lại nguyên vật liệu (như thu hồi nước làm mát từ các máy nhuộm để tuần hoàn tái sử dụng) hoặc sử dụng tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Việc giảm chi phí sản xuất từ sản xuất sạch hơn còn bao gồm cả giảm các chi phí phát sinh cho xử lý chất thải thải bỏ trong quá trình sản xuất. Do vậy sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các lợi ích về môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn là trên cơ sở phân tích các nhân tố phát thải cũng như các hành vi lãng phí nguyên vật liệu, năng lượng giúp làm giảm lượng chất thải (rắn, lỏng, khí) thải vào môi trường, giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các lợi ích về xã hội bao gồm những tác động của sản xuất sạch hơn trong việc cải thiện điều kiện lao động, tăng cường sự nhiệt tình, tích cực lao động của người lao động, sự gắn bó tốt hơn của người lao động đối với doanh nghiệp... Các quốc gia trên thế giới đều cố gắng khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các nguyên lý/nội dung cơ bản của sản xuất sạch hơn, coi đó là một giải pháp ưu tiên trong các hành động hướng tới phát triển bền vững như Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn đã kêu gọi. Việt Nam đã ký cam kết thực hiện Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn từ năm 1999 và đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn (tháng 5/2002). Mặc dù các lợi ích thu được từ áp dụng sản xuất sạch hơn là rõ ràng và to lớn, nhưng trong thực tế ở nước ta cho đến nay còn rất ít các doanh nghiệp quan tâm áp dụng. Đây là điều mà việc triển khai quản lý tổng hợp chất thải ở nước ta cần được tính đến trong những năm tới.
3. Đối với vấn đề liên quan tới những yếu kém trong hệ thống và mạng lưới quản lý chất thải: trong nhiều năm qua được khắc phục và đã có những tiến bộ nhất định. Tuy vậy, các tiến bộ này vẫn ngày càng giãn ra so với sự gia tăng lượng thải cao hơn những cố gắng cải thiện. Như đã nói ở trên, cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu vắng một “kịcah bản” quản lý phối hợp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp chất thải rắn. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/12/2009 là cơ sở pháp lý cho việc triển khai một kịch bản như vậy. Bộ TN&MT là địa chỉ thích hợp nhất cho việc chủ trì xây dựng một đề án quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, trong đó bao gồm không chỉ bản thân các loại chất thải rắn mà còn cả các đối tượng phát thải, xả thải (doanh nghiệp, hộ gia đình...), các chủ thể quản lý chất thải (các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương) và các đối tượng có thể tham gia, cung cấp các dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn (các tổ chức, cộng đồng trong xã hội).
4. Đối với vấn đề liên quan tới nguồn lực cho hoạt động quản lý chất thải theo phương thức tổng hợp, tuy cho đến nay vẫn là một vấn đề luôn luôn thiếu hụt và sự thiếu hụt này ngày càng lớn nhưng với một kịch bản (đề án) quản lý tổng hợp chất thải rắn được thiết kế tốt, dựa trên cách tiếp cận mới, coi chất thải là hàng hóa, có thị trường, trong đó nguồn cung (chất thải) và nhu cầu xã hội (thu gom, xử lý) ngày càng tăng thì chắc chắn theo quy luật của thị trường sẽ gia tăng các hoạt động đầu tư nối kết cung - cầu trong các khâu của chuỗi giá trị hàng hóa - chất thải và theo đó áp lực về thiếu hụt nguồn lực sẽ được giảm bớt.
Quản lý tổng hợp chất thải là một cách tiếp cận mới, tiên tiến trong quản lý chất thải không chỉ đối với Việt Nam mà cả với thế giới. Thực tế đã chứng minh hiệu quả to lớn của phương thức quản lý mới này. Hiện tại, ở nước ta đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng, từ áp lực, nhu cầu nhanh chóng giải tỏa áp lực cho tới cơ sở pháp lý (trong đó trực tiếp nhất là Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025) cũng như khả năng, năng lực thiết kế và tổ chức thực hiện. Hy vọng rằng, bài viết này cung cấp một vài ý tưởng ban đầu về một phương thức quản lý chất thải mới và hữu ích cho việc triển khai thực hiện.
PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn
Viện Phát triển bền vững vùng Bắc bộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét